Chiều
3/9, các thành viên của câu lạc bộ Nội san Người cảnh sát trẻ hiện đang thực
hành chính trị - xã hội tại 4 xã thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã phối
hợp cùng các thầy cô giáo Bộ môn Mác - Lênin và Khoa học xã hội nhân văn thăm
hỏi và tặng quà cho gia đình có công với cách mạng gặp hoàn cảnh khó khăn. Đoàn
đã đến thăm gia đình cụ Nguyễn Văn Hảo, hiện đang sống và sinh hoạt tại thôn Tân
Trại 2, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Gia đình cụ Hảo là một gia đình giàu truyền thống Cách mạng qua nhiều thế hệ. Cụ là người trực tiếp tham gia chiến tranh và trải qua hai cuộc chiến đầy khốc liệt của dân tộc. Từ năm 15 tuổi, cụ Hảo đã ý thức được sứ mệnh của mình và khát khao được cống hiến cho Tổ quốc. Khi ấy, cụ vừa đi chăn trâu, vừa làm người liên lạc cho bộ đội. Năm 18 tuổi, cụ viết đơn tình nguyện đi bộ đội, tham gia chiến tranh nhưng không được chấp nhận nên ở lại bám đất giữ làng, làm dân quân tự vệ, du kích, trở thành hậu phương vững chắc nơi đầu chiến tuyến. Thuở thiếu niên, cụ là người chỉ điểm cho bộ đội, vừa dẫn đường vừa tải thương và tham gia chiến đấu. Hai trận địa ác liệt nhất là Vĩnh Giang và Vịnh Mốc, cụ đều có mặt và thoát chết nhiều lần. Cũng tại đây, cụ đã bắn rơi một máy bay của địch. Khi kể lại những ngày tháng hào hùng ấy, cụ vẫn tràn đầy niềm hứng khởi như của một người lính trẻ vừa lập công. Sau này, người con trai đầu của cụ đã tiếp nối bước chân của cha tham gia chiến đấu giành độc lập cho dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Thành viên CLB Nội san Người Cảnh sát trẻ thăm hỏi, động viên cụ Hảo
Là người đứng sau hỗ trợ chiến tuyến lại vừa trực tiếp tham gia vào các trận địa khốc liệt trong mưa bom bão đạn chiến tranh nhưng cụ vẫn trở về lành lặn, khỏe mạnh. Hòa bình lập lại, cụ đoàn tụ cùng gia đình và được nhà nước cấp cho 10 thước đất làm nhà để sinh sống. Cuộc sống của cụ hiện nay rất vất vả, cụ bà mất sức lao động đến đi lại còn gặp nhiều khó khăn, các con của cụ không ai khá giả, theo dân làng làm nghề nông để kiếm sống. Nơi căn nhà nhỏ của cụ giờ chỉ còn hai người, hơn 80 tuổi nhưng mọi việc trong nhà đều do cụ gánh vác, đến con bò cũng do cụ ngày ngày chăn dắt và chăm sóc cho mảnh vườn của gia đình, cuốc mướn, trồng khoai… Nhiều người dân ở đây đã nói rằng: “cụ đi chiến tranh mà không bị thương, cũng không biết là may hay rủi!” Tham gia cách mạng trở về nhưng người không mang thương tích nên các chính sách, chế độ đãi ngộ của Đảng và nhà nước cụ cũng chẳng được hưởng. Hàng tháng chỉ trông chờ vào mấy trăm nghìn tiền trợ cấp cho người mất sức lao động của cụ bà, nhưng rồi số tiền ít ỏi ấy cũng không đủ để thuốc thang. Cuộc sống tuy nghèo khó nhưng cụ vẫn sống đầy thanh thản. Khi người người đổ xô đi làm giấy tờ giả để hưởng chế độ thì cụ vẫn chính trực mà bỏ ngoài tai tất cả, cương quyết không làm giả để thu lợi cho mình!
CLB Nội san và gia đình cụ Hảo chụp ảnh lưu niệm
Một gia đình nhỏ nhưng lại chất chứa bao nhiêu câu chuyện. Trên những mảnh đất khác của Tổ quốc, còn biết bao nhân chứng lịch sử như cụ, dẫu đã gần 50 năm tuổi Đảng nhưng không được hưởng một chính sách, chế độ đãi ngộ nào và chỉ biết sinh sống dựa vào chính sức lực của mình. Cuộc nói chuyện tuy ngắn ngủi nhưng đã mang lại niềm vui, niềm xúc động với gia đình cụ Hảo và để lại nhiều dư âm trong trái tim những người phóng viên trẻ. Thời gian còn lại tuy không nhiều nhưng hy vọng rằng, những thành viên của Nội san “Người cảnh sát trẻ” sẽ có thêm những chuyến thăm hỏi đầy ý nghĩa như thế trong chuyến đi thực hành chính trị - xã hội này.
Hà Oanh - CLB Nội san